Hai cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật

 I. Cái riêng và cái chung

    1. Khái niệm cái riêng, cái chung, cái đơn nhất:

    Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta tiếp xúc với những sự vật, hiện tượng, quá trình khác nhau; đồng thời, chúng ta cũng thấy giữa chúng ta lại có những mặt giống nhau như những cái bàn đều được làm từ gỗ, đều có màu sắc, hình dạng nhất định. Để phản ánh điều đó, phép biện chứng duy vật quan niệm:

    “Cái riêng” là cái phạm trù được dùng để chỉ một sự vật, một hiện tượng, một quá trình riêng lẻ nhất định,

    VD: Một con người, một quốc gia

    “Cái chung” là phạm trù được dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính chung không những có ở một kết cấu vật chất nhất định, mà còn được lặp lại trong nhiều sự vật hiện tượng hay quá trình riêng lẻ khác.

    VD: Sản xuất và tái sản xuất mở rộng là cái chung trong bất kì xã hội nào

    “Cái đơn nhất” là phạm trù được dùng để chỉ những nét, những mặt, những thuộc tính…chỉ có ở một kết cấu vật chất nhất định và không được lặp lại ở bất cứ một kết cấu vật chất nào khác.

    Nhờ cái đơn nhất mà con người có thể phân biệt được cái riêng này với cái riêng khác.

    VD: Mỗi con người vừa là cái riêng vừa có cái đơn nhất để cho người này khác với người khác. Hoặc trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bên cạnh những nét chung với giai cấp công nhân ở các nước, giai cấp công nhân Việt Nam còn có những đặc điểm riêng như ra đời trước khi có giai cấp tư sản Việt Nam, trong nội bộ không có tầng lớp công nhân quý tộc v.v… Những đặc điểm này chính là những cái đơn nhất.

    2. Quan hệ giữa cái riêng và cái chung

    Trong lịch sử triết học đã có hai xu hướng - duy thực và duy danh - đối lập nhau giải quyết vấn đề quan hệ giữa cái riêng và cái chung. 

    Phái duy thực cho rằng: “Cái chung” tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào “cái riêng” và đẻ ra “cái riêng”. Còn “cái riêng” thì hoặc là không tồn tại, hoặc nếu có tồn tại thì cũng là do “cái chung” sản sinh ra và chỉ là tạm thời. “Cái riêng” sinh ra và chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định rồi mất đi, trong khi đó, “cái chung” tồn tại vĩnh viễn , không phải trải qua một biến đổi nào cả. Đại biểu cho quan điểm của phái duy thực là Platôn. Theo Platôn, “cái chung” là những ý niệm tồn tại độc lập bên cạnh những “cái riêng”. Bên cạnh “cái bàn” riêng lẻ, “con người” riêng lẻ là “cái bàn chung”, “con người chung”... Chính cái chung này mới tồn tại thực sự, còn những cái riêng lẻ chỉ là những cái bóng.

    Thí dụ, bên cạnh cái cây riêng lẻ, có ý niệm cái cây nói chung; bên cạnh cái nhà riêng lẻ, có ý niệm cái nhà nói chung v.v.. Cái cây, cái nhà riêng lẻ, có ra đời, tồn tại tạm thời và mất đi, nhưng ý niệm cái cây, cái nhà nói chung thì tồn tại mãi mãi; cái cây, cái nhà riêng lẻ là do ý niệm cái cây, cái nhà nói chung sinh ra.

    Phái duy danh lại phát triển một quan điểm ngược lại. Họ cho rằng chỉ có “cái riêng” tồn tại thực sự, còn “cái chung” chỉ là những tên gọi do lý trí đặt ra, chứ không phản ánh một cái gì trong hiện thực.

    Đại biểu cho quan điểm của phái duy danh trong triết học hiện đại là một số đại biểu của phái ngữ nghĩa luận như Treiz, Cayzer vv… Họ khẳng định rằng, trong hiện thực không hề có “cái chung”, cái “khái niệm chung” dễ làm cho con người ta lầm lẫn rằng sau các khái niệm ấy là những sự vật, hiện tượng thực tế nào đó có ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Do đó, họ đề nghị gạt bỏ những “khái niệm chung” mà trước hết là những khái niệm nào tựa hồ đang gây ra mối bất hoà. Ví dụ như khái niệm “chủ nghĩa tư bản”. “chủ nghĩa đế quốc”, “sự bóc lột” v.v… theo họ chỉ là những “khái niệm trống rỗng”, do đó, đấu tranh chống lại “ khái niệm trống rỗng” là một công việc hoàn toàn vô ích!

    Cả quan niệm của phái duy thực và phái duy danh đều sai lầm ở chỗ họ đã tách rời cái riêng khỏi cái chung, tuyệt đối hoá cái riêng, phủ nhận cái chung, hoặc ngược lại. Họ không thấy sự tồn tại khách quan và mối liên hệ khăng khít giữa chúng.

    Chủ nghĩa duy vật biện chứng đã khắc phục những khiếm khuyết của cả hai xu hướng đó trong việc lý giải mối quan hệ cái chung - cái riêng. Cả cái chung lẫn cái đơn nhất đều không tồn tại độc lập, tự thân, chúng là thuộc tính nên phải gắn với đối tượng xác định. Chỉ cái riêng (đối tượng, quá trình, hiện tượng riêng) mới tồn tại độc lập. Cái chung và cái đơn nhất đều chỉ tồn tại trong cái riêng, như là các mặt của cái riêng. 

    Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, cả “cái riêng”, “cái chung” và “cái đơn nhất” đều tồn tại khách quan và giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Không thể có cái chung nếu không có cái riêng và ngược lại. Quan hệ này được thể hiện:

    Thứ nhất, “Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng”1. Điều đó có nghĩa là“cái chung” tồn tại thực sự, nhưng lại chỉ tồn tại trong “cái riêng” chứ không tồn tại biệt lập, lơ lửng ở đâu đó bên cạnh “cái riêng”.

    Mỗi con cá cụ thể mà ta bắt gặp có thể có nhiều thuộc tính khác nhau, chẳng hạn như màu sắc đen trắng khác nhau, hình dáng dài ngắn, tròn dẹt khác nhau.v.v..Nhưng dù có khác nhau đến thế nào chăng nữa, bất kỳ con cá nào cũng đều có những thuộc tính giống nhau: là động vật có xương sống, sống ở dưới nước, thở bằng mang, bơi bằng vây,... các thuộc tính này lặp đi lặp lại ở mọi con cá, chúng tạo nên “cái chung” và “cái chung” này được phản ánh trong khái niệm “ cá”. Như vậy, “cái chung” này thực sự tồn tại , nhưng tồn tại trong từng “con cá” cụ thể, thông qua từng con cá cụ thể mà nó được biểu hiện ra, chứ không có “con cá chung” nào tồn tại bên ngoài những con cá cụ thể cả.

    Thứ hai, “cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ đưa đến cái chung” Điều đó nghĩa là “cái riêng” tồn tại độc lập, nhưng không có nghĩa là “cái riêng” hoàn toàn cô lập với cái khác. Ngược lại, bất cứ “cái riêng” nào bao giờ cũng tham gia vào các mối liên hệ qua lại hết sức đa dạng với các sự vật hiện tượng khác xung quanh mình. Các mối liên hệ qua lại ấy cứ trải rộng dần, gặp gỡ rồi “giao thoa” với các mối liên hệ qua lại khác, kết quả là tạo nên một mạng lưới các mối liên hệ mới, và trong số chúng sẽ có những mối liên hệ dẫn đến một cái chung nào đó. Thậm chí, có những cái ta tưởng như hết sức xa lạ, hoàn toàn không dính dáng gì với nhau, ví như cái bàn trong phòng này và con hổ trong rừng kia, thế nhưng, nếu xét kỹ thì thông qua hàng nghìn mối liên hệ cũng như thông qua hàng nghìn sự chuyển hoá, cuối cùng ta vẫn thấy giữa chúng có cái chung nhất định và đều liên hệ với nhau, chẳng hạn, cả cái bàn và con hổ đều được cấu tạo nên từ những nguyên tử, điện tử nhất định v.v..

    Chính vì thế, Lênin không chỉ khẳng định rằng “cái riêng” không chỉ tồn tại trong mối liên hệ dẫn tới “cái chung”, mà còn thông qua hàng nghìn sự chuyển hoá, nó còn liên hệ với những “cái riêng” thuộc loại khác.

    Thứ ba, mối liên hệ giữa “cái riêng” và “cái chung” còn thể hiện ở chỗ “cái riêng” là cái toàn bộ, phong phú hơn “cái chung”; “cái chung” là một bộ phận của cái “cái riêng”, nhưng sâu sắc, bản chất hơn “cái riêng”. Có nghĩa là:

    “Cái riêng” ngoài những đặc điểm riêng chỉ nó có, còn có những đặc điểm chung ở nhiều cái riêng lẻ cùng loại, và trong quan hệ với cái chung, tuỳ từng mối quan hệ, mà thuộc tính riêng lẻ này hay thuộc tính riêng lẻ khác tham gia vào cái chung. Do đó, cái riêng không gia nhập hết vào “cái chung”. Vì thế cái riêng phong phú hơn cái chung.

    “Cái chung” tuy chỉ là một bộ phận cấu thành cái riêng, nhưng là cái bản chất của “cái riêng” vì nó phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ tất nhiên, ổn định ở trong nhiều “cái riêng”cùng loại, nó quy định sự tồn tại và phát triển của “cái riêng”, nên “cái chung” sâu sắc hơn “cái riêng”.

    Thứ tư, trong quá trình phát triển khách quan của sự vật, trong những điều kiện nhất định, “cái đơn nhất” có thể biến thành “cái chung” và ngược lại, “cái chung” có thể biến thành “cái đơn nhất”.

    Có tình hình đó là do trong hiện thực, cái mới không bao giờ xuất hiện đầy đủ ngay một lúc, mà lúc đầu xuất hiện dưới dạng “cái đơn nhất”, cái cá biệt. Nhưng theo quy luật, cái mới nhất định sẽ phát triển mạnh lên, ngày càng trở nên hoàn thiện, tiến tới hoàn toàn chiến thắng cái cũ và trở thành “cái chung”. Ngược lại, cái cũ ngày càng mất dần đi và từ chỗ là “cái chung” nó biến thành “cái đơn nhất”.



    3. Ý nghĩa lý luận

    Vì cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng để biểu thị sự tồn tại của mình, nên chỉ có thể tìm cái chung trong cái riêng, xuất phát từ cái riêng, từ những sự vật, hiện tượng riêng lẻ, không được xuất phát từ ý muốn chủ quan của con người bên ngoài cái riêng.

    Cái chung là cái sâu sắc, cái bản chất chi phối cái riêng nên nhận thức phải nhằm tìm ra cái chung và trong hoạt động thực tiễn phải dựa vào cái chung để cải tạo cái riêng. Trong hoạt động thực tiễn nếu không hiểu biết những nguyên lý chung (không hiểu biết lý luận), sẽ không tránh khỏi rơi vào tình trạng hoạt động một cách mò mẫm, mù quáng. Mặt khác, cái chung lại biểu hiện thông qua cái riêng, nên khi áp dụng cái chung phải tuỳ theo cái riêng cụ thể để vận dụng cho thích hợp. Thí dụ, khi áp dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, phải căn cứ vào tình hình cụ thể của từng thời kỳ lịch sử ở mỗi nước để vận dụng những nguyên lý đó cho thích hợp, có vậy mới đưa lại kết quả trong hoạt động  thực tiễn.

    Trong quá trình phát triển của sự vật, trong những điều kiện nhất định "cái đơn nhất" có thể biến thành "cái chung" và ngược lại "cái chung" có thể biến thành "cái đơn nhất", nên trong hoạt động thực tiễn có thể và cần  phải tạo điều kiện thuận lợi để "cái đơn nhất" có lợi cho con người trở thành "cái  chung" và "cái chung" bất lợi trở thành "cái đơn nhất"

II. Nguyên nhân và kết quả

    1. Khái niệm nguyên nhân và kết quả

    Định nghĩa: Thông thường, ta hay hiểu có một hiện tượng A mà tác động của nó gây nên, làm biến đổi, hay kéo theo sau nó hiện tượng khác (chẳng hạn hiện tượng B ) thì A được gọi là nguyên nhân, còn B được gọi là kết quả. Song trên thực tế, nguyên nhân thực sự của B không phải bản thân hiện tượng A, mà chính là sự tác động qua lại của A với các hiện tượng C,D,E... nào đó mới chính là cái dẫn đến sự xuất hiện hiện tượng B.

    Phạm trù nguyên nhân và kết quả phản ánh mối quan hệ sản sinh ra nhau giữa các sự vật,  hiện tượng trong hiện thực khách quan.

- Nguyên nhân là phạm trù chỉ sự tác động lẫn  nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau, gây ra một biến đổi  nhất định nào đó.

- Kết quả là những biến đổi xuất hiện do tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sư vật với nhau  gây ra.

    Chẳng hạn, không phải nguồn điện là nguyên nhân làm bóng đèn phát sáng mà chỉ là tương tác của dòng điện với dây dẫn (Trong trường hợp này, với dây tóc của bóng đèn) mới thực sự là nguyên nhân làm cho bóng đèn là phát sáng. Cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư  sản là nguyên nhân đưa đến kết quả là cuộc cách mạng vô sản nổ ra.

    Không nên hiểu nguyên nhân và kết quả nằm ở hai sự vật hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn cho dòng điện là nguyên nhân của ánh sáng đèn; giai cấp vô sản là nguyên nhân của cuộc cách mạng vô sản... Nếu hiểu nguyên nhân và kết quả như vậy sẽ dẫn đến chỗ cho rằng nguyên nhân của một sự vật hiện tượng nào đấy luôn nằm ngoài sự vật, hiện tượng đó và cuối cùng nhất định sẽ phải  thừa nhận rằng nguyên nhân của thế giới vật chất nằm ngoài thế giới vật chất, tức là nằm ở thế giới  tinh thần.

    Phân biệt nguyên nhân với nguyên cớ, nguyên nhân với điều kiện:

    * Nguyên cớ là những sự vật, hiện tượng xuất hiện đồng thời với nguyên nhân, nhưng nó chỉ là quan hệ bên ngoài ngẫu nhiên chứ không sinh ra kết quả.

    * Điều kiện là những sự vật, hiện tượng gắn liền với nguyên nhân, liên hệ với nguyên nhân trong cùng một không gian, thời gian, tác động vào nguyên nhân làm cho nguyên nhân phát sinh tác dụng. Nhưng điều kiện không trực tiếp sinh ra kết quả.

    Để có sự nảy mầm ( kết quả) của một hạt cây nào đó, là do sự khác nhau giữa các yếu tố trong hạt cây đó (nguyên nhân ), nhưng phải có những điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, áp xuất thích hợp của môi trường v.v... mới xuất hiện kết quả được.

    Tính chất của mối liên hệ nhân quả: Phép biện chứng duy vật khẳng định  mối liên hệ nhân quả có tính khách quan, tính phổ  biến,  tính tất  yếu.

    Tính khách quan thể hiện ở chỗ:  mối liên hệ nhân quả là cái vốn có của bản thân sự vật, không phụ thuộc vào ý thức của con người. Dù con người biết hay không biết, thì các sự vật vẫn tác động lẫn nhau và sự tác động đó tất yếu gây nên biến đổi nhất định. Con người chỉ phản ánh vào trong đầu óc mình những tác động và những biến đổi, tức là mối liên hệ nhân quả của hiện thực, chứ không sáng tạo ra mối liên hệ nhân quả của hiện thực từ trong đầu mình. Quan điểm duy tâm không thừa nhận mối liên hệ nhân quả tồn tại khách quan trong bản thân sự vật. Họ cho rằng, mối liên hệ nhân quả là do Thượng đế sinh ra hoặc do cảm giác con người quy định.

    Tính phổ biến thể hiện ở chỗ: mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội đều có nguyên nhân nhất định gây ra. Không có hiện tượng nào không có nguyên nhân, chỉ có điều là nguyên nhân đó đã được nhận thức hay chưa mà thôi. Không nên đồng nhất vấn đề nhận thức của con người về mối liên hệ nhân quả với vấn đề tồn tại của mối liên hệ đó trong hiện thực.

    Tính tất yếu thể hiện ở chỗ: cùng một nguyên nhân nhất định, trong những điều kiện giống nhau sẽ gây ra kết quả như nhau. Tuy nhiên trong thực tế không thể có sự vật nào tồn tại trong những điều kiện, hoàn cảnh hoàn toàn giống nhau. Thí dụ, vật trong chân không luôn luôn rơi với gia tốc 9,8 m/s2. Nước ở áp suất 1 átmốtphe luôn luôn sôi ở 1000C, v.v.. Chính nhờ có tính tất yếu này của mối liên hệ nhân -quả mà hoạt động thực tiễn của con người mới có thể tiến hành được.

    Ta biết rằng trong thiên nhiên không thể có những sự vật hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, khái niệm nguyên nhân như nhau trong những hoàn cảnh hoàn toàn như nhau bao giờ cũng cho kết quả y hệt nhau ở mọi nơi, mọi lúc là một khái niệm trừu tượng. Tuy nhiên, có những sự vật, những hiện tượng về cơ bản là giống nhau thì trong hoàn cảnh tương đối giống nhau sẽ gây nên những kết quả giống nhau về cơ bản.

    Thóc gieo xuống một mảnh ruộng, hoặc nhiều mảnh ruộng khác nhau, gieo ở những thời vụ khác nhau thì vẫn sẽ cho lúa chứ không cho ngô, khoai v.v…

    Do vậy tính tất yếu của mối liên hệ nhân quả trên thực tế phải được hiểu là: Nguyên nhân tác động trong những điều kiện và hoàn cảnh càng ít khác nhau bao nhiêu thì kết quả do chúng gây ra càng giống nhau bấy nhiêu.

    2. Mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả

    a) Nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, nên nguyên nhân luôn luôn có trước kết quả, còn kết quả bao giờ cũng xuất hiện sau khi nguyên nhân đã xuất hiện Tuy nhiên không phải hai hiện tượng nào nối tiếp nhau về mặt thời gian cũng là quan hệ nhân quả. Thí dụ, ngày kế tiếp đêm, mùa hè kế tiếp mùa xuân, sấm kế tiếp chớp,v.v, nhưng không phải đêm là nguyên nhân của ngày, mùa xuân là nguyên nhân của mùa hè, chớp là nguyên nhân của sấm, v,v.. Cái phân biệt quan hệ nhân quả với quan hệ kế tiếp về mặt thời gian là ở chỗ nguyên nhân và kết quả có quan hệ sản sinh ra nhau. Nguyên nhân của ngày và đêm là do sự quay của trái đất quanh trục Bắc - Nam của nó, nên ánh sáng mặt trời chỉ chiếu sáng được phần bề mặt trái đất hướng về phía mặt trời. Nguyên nhân của các mùa trong năm là do trái đất, khi chuyển động trên quỹ đạo, trục của nó bao giờ cũng có độ nghiêng không đổi và hướng về một phía, nên hai nửa cầu Bắc và Nam luân phiên chúc ngả về phía mặt trời, sinh ra các mùa. Sấm và chớp đều do sự phóng điện giữa hai đám mây tích điện trái dấu sinh ra. Nhưng vì vận tốc ánh sáng truyền trong không gian nhanh hơn vận tốc tiếng động, do vậy chúng ta thấy chớp trước khi nghe thấy tiếng sấm. Như vậy không phải chớp sinh ra sấm.

    Nguyên nhân sinh ra kết quả rất phức tạp, bởi vì nó còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra. Thí dụ, nguyên nhân của mất mùa có thể do  hạn hán, có thể do lũ lụt, có thể do sâu bệnh, có thể do chăm bón không đúng kỹ thuật, v.v.. Mặt khác, một nguyên nhân trong những điều kiện khác nhau cũng có thể  sinh ra những kết quả khác nhau. Thí dụ, chặt phá rừng có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả như lũ lụt, hạn hán, thay đổi khí hậu của cả một vùng, tiêu diệt một số loài sinh vật v.v. Nếu nhiều nguyên nhân cùng tồn tại và tác động cùng chiều trong một sự vật thì chúng sẽ gây ảnh hưởng cùng chiều đến sự hình thành kết quả, làm cho kết quả xuất hiện nhanh hơn. Ngược lại nếu những nguyên nhân tác động đồng thời theo các hướng khác nhau, thì sẽ cản trở tác dụng của nhau, thậm chí  triệt tiêu tác dụng của nhau. Điều đó sẽ ngăn cản sự xuất hiện của kết quả. Do vậy trong hoạt động thực tiễn cần phải phân tích vai trò của từng loại nguyên nhân, có thể chủ động tạo ra điều kiện thuận lợi cho những nguyên nhân quy định sự xuất hiện của kết quả (mà con người mong muốn) phát huy tác dụng. Thí dụ, trong nền kinh tế nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, mỗi thành phần kinh tế đều có vị trí nhất định đối với việc phát triển nền kinh tế chung. Các thành phần kinh tế vừa tác động hỗ trợ nhau, vừa mâu thuẫn nhau, thậm chí còn cản trở nhau phát triển. Muốn phát huy được tác dụng của các thành phần kinh tế để phát triển sản xuất, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thì phải tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đều có điều kiện phát triển, trong đó thành phần kinh tế nhà nước phải đủ sức giữ vai trò chủ đạo, hướng các thành phần kinh tế khác hoạt động theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phải tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế bằng luật pháp, chính sách v.v. thích hợp. Nếu không như vậy, nền kinh tế sẽ trở nên hỗn loạn và năng lực sản xuất của các thành phần kinh tế có thể triệt tiêu lẫn nhau. Do vậy phải tìm hiểu kỹ vị trí, vai trò của từng nguyên nhân.

    *Phân loại nguyên nhân

    Căn cứ vào tính chất và vai trò của nguyên nhân đối với sự hình thành kết quả, có thể phân các nguyên nhân ra thành.

    + Một là: Nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân thứ yếu:

    Nguyên nhân chủ yếu là những nguyên nhân mà thiếu chúng thì kết quả sẽ không xảy ra.

    Nguyên nhân thứ yếu là những nguyên nhân mà sự có mặt của chúng chỉ quyết định những đặc điểm nhất thời, không ổn định, cá biệt của hiện tượng.

    Nguyên nhân chủ yếu của khủng hoảng kinh tế dưới chế độ tư bản chủ nghĩa là mâu thuẫn giữa lao động có tính chất xã hội với chiếm hữu có tính chất cá nhân. Còn nguyên nhân thứ yếu ở đây là sự giảm nhu cầu đối với một mặt hàng nào đó, sự phá sản của một nhà băng nào đó gây nên sự khánh kiệt của một số xí nghiệp có liên quan với nhà băng này .v.v...

    +Hai là: Nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài:

    Nguyên nhân bên trong là sự tác động lẫn nhau giữa những mặt hay giữa những yếu tố của cùng một kết cấu vật chất nào đó và gây ra những biến đổi nhất định.

    Nguyên nhân bên ngoài: là sự tác động lẫn nhau giữa những kết cấu vật chất khác nhau và gây ra những biến đổi thích hợp trong những kết cấu vật chất ấy.

    Nguyên nhân bên trong bao giờ cũng quyết định sự hình thành, tồn tại và phát triển của các kết cấu vật chất. Còn nguyên nhân bên ngoài chỉ phát huy được tác dụng thông qua những nguyên nhân bên trong.

    Năng suất cây trồng là do nguyên nhân bên trong (giống) là quyết định, còn các điều kiện khác như nước, phân, sự chăm bón là quan trọng không thể thiếu được. Hay sự phát triển của đất nước chủ yếu dựa vào sự phát triển của nền công nghiệp, nông nghiệp trong nước là chủ yếu, nhưng môi trường hợp tác với thế giới bên ngoài cũng hết sức quan trọng.

    + Ba là: Nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan:

    Nguyên nhân khách quan là nguyên nhân xuất hiện và tác động độc lập đối với ý thức của con người, của các giai cấp, các chính đảng, v.v...

Nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân xuất hiện và tác động phụ thuộc vào ý thức của con người trong lĩnh vực hoạt động của các cá nhân, các giai cấp, các chính đảng, v.v..., nhằm thúc đẩy hay kìm hãm sự xuất hiện, phát triển... của các quá trình hiện thực.

    Cách mạng tháng Tám nổ ra và thành công là kết quả tổng hợp giữa các nguyên nhân khách quan (Pháp bị Nhật đảo chính, Nhật đầu hàng đồng minh...) và nguyên nhân chủ quan là có sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng, có khối đại đoàn kết toàn dân, tinh thần yêu nước và cách mạng của quần chúng nhân dân. Hay sự thành công của doanh nghiệp thường là kết hợp chặt chẽ giữa nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, hạn chế được nguyên nhân ngược chiều, bất lợi.

    b) Sự tác động trở lại của kết quả đối với nguyên nhân: Kết quả do nguyên nhân sinh ra, nhưng sau khi xuất hiện, kết quả lại có ảnh hưởng trở lại đối với nguyên nhân. Sự ảnh hưởng đó có thể diễn ra theo hai hướng: Thúc đẩy sự hoạt động của nguyên nhân (hướng tích cực), hoặc cản trở sự hoạt động của nguyên nhân (hướng tiêu cực). Thí dụ, trình độ dân trí thấp do kinh tế kém phát triển, ít đầu tư cho giáo dục. Nhưng dân trí thấp lại là nhân tố cản trở việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vì vậy lại kìm hãm sản xuất phát triển. Ngược lại, trình độ dân trí cao là kết quả của chính sách phát triển kinh tế và giáo dục đúng đắn. Đến lượt nó, dân trí cao lại tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế và giáo dục.

    c) Nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi  vị trí cho nhau: Điều này có nghĩa là một sự vật, hiện tượng nào đó trong mối quan hệ này là nguyên nhân, nhưng trong mối quan hệ khác lại là kết quả và ngược lại. Vì vậy, Ph.Ăngghen nhận xét rằng:  Nguyên nhân và kết quả là những khái niệm chỉ có ý nghĩa là nguyên nhân và kết quả khi được áp dụng vào một trường hợp riêng biệt nhất định. Nhưng một khi chúng ta nghiên cứu trường hợp riêng biệt ấy trong mối liên hệ chung của nó với toàn bộ thế giới, thì những khái niệm ấy lại gắn với nhau trong một khái niệm về sự tác động qua lại một cách phổ biến, trong đó nguyên nhân và kết quả luôn luôn thay đổi vị trí cho nhau. Chuỗi nhân quả là vô cùng, không có bắt đầu và không có kết thúc. Một hiện tượng nào đấy được coi là nguyên nhân hay kết quả bao giờ cũng ở trong một quan hệ xác định cụ thể.

    3. Ý nghĩa lý luận

Thứ nhất, nếu bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng có nguyên nhân của nó và do nguyên nhân quyết định, thì để nhận thức được sự vật, hiện tượng ấy nhất thiết phải tìm ra nguyên nhân xuất hiện của nó; muốn loại bỏ một sự vật, hiện tượng nào đó không cần thiết, thì phải loại bỏ nguyên nhân sinh ra nó. Thứ hai, xét về mặt thời gian, nguyên nhân có trước kết quả nên khi tìm nguyên nhân của một sự vật, hiện tượng cần tìm ở các sự vật, sự kiện, mối liên hệ đã xảy ra trước khi sự vật, hiện tượng xuất hiện. Trong thời gian hoặc trong mối quan hệ nào đó, vì nguyên nhân và kết quả có thể đổi chỗ cho nhau, chuyển hóa lẫn nhau nên để nhận thức được tác dụng của một sự vật, hiện tượng và để xác định phương hướng đúng cho hoạt động thực tiễn, cần nghiên cứu sự vật, hiện tượng đó trong mối quan hệ mà nó giữ vai trò là kết quả, cũng như trong mối quan hệ mà nó giữ vai trò là nguyên nhân, sản sinh ra những kết quả nhất định. Thứ ba, một sự vật, hiện tượng có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra và quyết định, nên khi nghiên cứu sự vật, hiện tượng đó không vội kết luận về nguyên nhân nào đã sinh ra nó; khi muốn gây ra một sự vật, hiện tượng có ích trong thực tiễn cần phải lựa chọn phương pháp thích hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể chứ không nên rập khuôn theo phương pháp cũ. Trong số các nguyên nhân sinh ra một sự vật, hiện tượng có nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân thứ yếu, nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài, nên trong nhận thức và hành động cần dựa vào nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân bên trong.


0 Nhận xét